Tuesday, January 3, 2012

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình tham dự phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương


Vừa qua, Ban Chỉ đạo cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 2, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có chương trình cải cách tư pháp giai đoạn 2011- 2016. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.
tu phap Đồng chí Nguyễn Hòa Bình tham dự  phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao phát biểu tại phiên họp thứ 2, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận các nội dung trọng tâm về định hướng phân công trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tư pháp; chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2011-2016; chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2012, thông qua quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; nghe công bố quyết định thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo và quyết định bổ nhiệm ủy viên chuyên trách. Về Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng Quy chế cần quy định chung về Ban Chỉ đạo và đề cao trách nhiệm của từng thành viên.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, chương trình của Ban Chỉ đạo cần bám sát lộ trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, đặc biệt phải bám sát lộ trình sửa đổi Hiến pháp 1992 vì mọi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp đều thể hiện trong Hiến pháp. Ban Chỉ đạo cần tập trung hoàn thiện Báo cáo sơ kết 05 năm Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các đề án để thực hiện Nghị quyết số 49 giao cho các ngành phải hoàn thành trước khi sửa đổi Hiến pháp. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực để thực hiện cải cách tư pháp vì hiện nay, nguồn cán bộ cho ngành Kiểm sát nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung là rất thiếu. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần có Học viện Kiểm sát, Học viện Tòa án để đào tạo trình độ cử nhân, bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp theo mô hình đào tạo có địa chỉ.
Tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ giai đoạn 2011-2016 là giai đoạn khởi đầu thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2010-2020 và các văn kiện Đại hội XI của Đảng, khẳng định tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Bên cạnh kiện toàn tổ chức, cần bám sát nội dung Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp; hoàn thiện chức năng và nhiệm vụ thẩm quyền tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp. Chủ tịch nước khẳng định cùng với khẩn trương xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động các cơ quan bổ trợ tư pháp, các cơ quan, ban, ngành tham gia cần tích cực xây dựng cơ chế chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Hoàng Long (Theo VKSTC)

No comments:

Post a Comment